Y Khoa Tâm Thể – Nghệ Thuật Trị Liệu Tây Phương Hiện Đại (Phần 2)

Chúng ta hãy cùng nghiên cứu một mô hình vừa rất cổ điển vừa rất hiện đại. Đó là mô hình cho rằng cơ thể con người không phải là một kết cấu có tổ chức cố định trong không gian và thời gian. Cơ thể con người giống như một dòng sông đang chảy của vật chất, năng lượng và thông tin. Nó có một vòng luân chuyển điều khiển có thể ảnh hưởng tới sự phát triển và biểu hiện của chính nó. Nó có khả năng học hỏi từ những sai lầm và có khả năng đưa ra lựa chọn. Cơ thể con người quả thực là một dòng sông vật chất, năng lượng và thông tin. Và sự thực là bạn không thể hai lần bước vào mà vẫn với cùng một con người đó, cũng như bạn không thể hai lần tắm trên cùng một dòng sông, bởi vì mỗi khoảnh khắc tồn tại là bạn đang làm mới cơ thể mình một cách dễ dàng hơn và tự nhiên hơn cả thay quần áo. Nói một cách ngữ nghĩa, cơ thể vật chất của bạn khi rời khỏi căn phòng không phải là cơ thể vật chất của bạn khi bước vào trước đó. Thông qua một loạt các quá trình sinh lý, bạn làm mới cơ thể mình mỗi giây tồn tại. Một ví dụ đơn giản là ngay hành vi thở. Với mỗi nhịp hít vào chúng ta hít vào khoảng 10²¹ nguyên tử từ vũ trụ, một lượng rất lớn các nguyên liệu đến từ mọi nơi và kết thúc ở các tế bào tim, thận, não. Với mỗi nhịp thở ra chúng ta thở ra khoảng 10²¹ nguyên tử có nguồn gốc từ các tế bào trong cơ thể. Chúng ta đang thực sự thở ra những mảnh vụn từ các mô tim, thận, não của chính mình, lại nói một cách ngữ nghĩa, chúng ta đang liên tục chia sẻ các cơ quan với nhau. Nhà thơ vĩ đại người Mỹ là Walt Whitman đã từng viết: “Mỗi nguyên tử thuộc về bạn cũng như thuộc về tôi.” Điều này rõ ràng không chỉ là một phép ẩn dụ thơ ca, mà còn là một thực tế sinh lý học.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán dựa trên các đồng vị phóng xạ và đưa ra kết luận là ngay tại thời điểm này, trong cơ thể vật chất của chúng ta, có hàng triệu nguyên tử đã từng ở trong cơ thể của Đức Phật, của Chúa Jesu, của Đức Mẹ Maria, của Leonardo da Vinci hay Michelangelo, của Mahatma Gandi hay của Mẹ Teresa, của Saddam Hussein hay của bất kỳ ai mà bạn có thể nghĩ ra. Trong vòng 3 tuần, hàng nghìn triệu triệu nguyên tử luân chuyển qua cơ thể của chúng ta thì cũng đã luân chuyển qua cơ thể của bất kỳ sinh vật nào trên hành tinh này. Chúng ta có thể nghĩ tới một cái cây ở châu Phi, một con sóc ở Siberia, một người nông dân ở Trung Quốc… chúng ta có nguyên liệu bên trong cơ thể mình đã luân chuyển trong cái cây hay con sóc hay người nông dân đó cách đây 3 tuần. Trong vòng chưa đến 1 năm, chúng ta thay thế khoảng 90% cơ thể vật chất của mình. Quả thực là ở mức độ nguyên tử, chúng ta tạo ra một bộ da mới mỗi tháng 1 lần, một lá gan mới cứ mỗi 6 tuần, một đường ruột mới cứ mỗi 5 ngày, một bộ xương mới – dường như rất cứng rắn và chắc chắn, nhưng lại là một kết cấu năng động – chúng ta thay thế bộ xương này cứ 3 tháng 1 lần. Ngay cả nguyên liệu cấu thành nên các ADN, các AND lưu giữ ký ức của hàng triệu năm tiến hóa của chúng ta, đến và đi cứ mỗi 6 tuần, như chim di trú. Vì vậy nếu bạn nghĩ mình là cơ thể vật chất, thì theo mô hình này, bạn đã lâm vào thế khó xử. Bạn đang nói đến cơ thể vật chất nào? Cơ thể vật chất là tập hợp các nguyên tố ở thể rắn, lỏng, hơi? Chúng đến rồi đi trong chớp mắt.

Bất cứ khi nào giải thích mô hình vật lý lượng tử về cơ thể cho các bạn bè và đồng nghiệp của mình, mọi người đều hỏi tôi rằng liệu có thật là bộ xương người tự thay thế cứ sau 3 tháng hay không. Thế thì tại sao vẫn còn chứng viêm khớp? Nếu thực sự các mạch máu tự thay thế cứ mỗi 6 đến 8 tuần thì tại sao chúng vẫn bị tắc? Câu trả lời là: với những “khung cam kết”, “khung khái niệm”, tức những khuôn mẫu nhận thức của chính mình, chúng ta tạo ra những khuôn mẫu năng lượng tương tự, điều này không chỉ đưa đến kết quả là những hành vi tương tự, mà còn cả những quá trình sinh hóa tương tự, những cấu trúc cơ thể vật chất tương tự. Toàn thể quá trình này chịu ảnh hưởng của tâm thức, ký ức và các phản xạ có điều kiện của chúng ta.

Theo mô hình trong truyền thống Veda, cơ thể vật chất chỉ là nơi mà ký ức và mơ ước của chúng ta gọi là nhà ở thời điểm hiện tại. Có vẻ như chúng ta đã nhầm lẫn giữa con ngựa với người cưỡi ngựa. Các nguyên tử không tạo nên con người thực của chúng ta mà ngược lại, con người thực của chúng ta đã sử dụng các nguyên tử để biểu hiện bản thân. Khi đang viết cuốn Agelss Body – Timeless Mind, tôi nhận được một cú điện thoại từ một bác sỹ tim mạch ở Chicago muốn giới thiệu cho tôi một bệnh nhân, một phụ nữ trẻ đã được thay tim trong quá trình điều trị bệnh. Sau khi thay tim, cô bắt đầu có những cơn thèm gà quay McNuggets và bia khủng khiếp, cùng lúc đó cô mơ về một chàng trai. Chàng trai này nói với cô tên của anh là Tommy và: “Anh thực sự yêu em bởi vì em mang trái tim của anh.”

Ra viện, cô bắt đầu tìm kiếm thông tin về người có trái tim mình được ghép và cuối cùng tìm thấy trong một cáo phó chàng trai có tên là Tommy. Anh ta 19 tuổi, đã ăn rất nhiều gà quay McNuggets và uống rất nhiều bia ngay trước khi bị tai nạn xe máy và tử vong. Nếu nghe câu chuyện này 10 năm về trước thì có lẽ tôi đã kê cho cả bệnh nhân và vị bác sỹ tim mạch nọ hàng trăm miligram thorazine và gọi cho họ một bác sỹ tâm thần. Nhưng từ đó, tôi đã nghiên cứu về lịch sử của các bệnh nhân được cấy ghép và về cấu trúc sinh học của cơ chế ký ức, tôi nhận ra rằng đó không phải là một câu chuyện lạ lùng.

Ngày nay, những kiểu trải nghiệm này đang dẫn dắt chúng ta vào thế giới khoa học và đặc biệt là thế giới sinh học, nơi mà tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ hàng ngày những tín điều của chủ nghĩa duy vật. Dù cho đó là một máy fax, một chiếc đài, một chiếc ti vi, hay một chiếc máy vi tính thì tất cả những công nghệ này đều dựa trên một cơ sở rất đơn giản: bản chất thiết yếu của thế giới vật chất không phải là vật chất. Những chất liệu thiết yếu của vũ trụ là phi chất liệu. Một nguyên tử, đơn vị cơ bản của vật chất, không phải là một thực thể cứng chắc, mà là một hệ thống phân tầng các trạng thái năng lượng và thông tin trong một khoảng trống rộng lớn. Nếu tới gặp một nhà vật lý lượng tử và hỏi người đó xem bản chất thực sự của cơ thể con người là gì thì người đó sẽ trả lời bạn điều tương tự. Cơ thể con người được tạo ra từ các nguyên tử. Các nguyên tử lần lượt được tạo ra từ các hạt hạ nguyên tử chuyển động với tốc độ ánh sáng xung quanh một khoảng trống rộng lớn. Các hạt hạ nguyên tử này không phải là vật chất, chúng là các rung động của năng lượng và thông tin. Nhìn qua con mắt của một nhà vật lý, cơ thể con người là một khoảng không gian giống như khoảng không gian giữa các thiên hà. Nếu bạn có thể nhìn thấy cơ thể con người như thật – không qua các trải nghiệm giác quan do con người tạo ra mà chúng ta biết là không đáng tin cậy – thì bạn sẽ thấy rằng 99,999% cơ thể con người là khoảng trống, và phần 0,001% có vẻ là vật chất còn lại thì cũng là khoảng trống nốt, nó chỉ mang vẻ bề ngoài cứng chắc. Nói cách khác, cơ thể con người thực sự chẳng làm bằng gì cả.

Khi vượt ra khỏi giới hạn của nguyên tử là bạn bước vào đám mây hạ nguyên tử. Vượt ra khỏi đám mây hạ nguyên tử là bạn bước vào một khoảng trống. Vậy câu hỏi đặt ra là: Cái gì là khoảng trống này mà dường như mọi thứ đều xuất hiện từ đó, gồm có cả cơ thể? Phải chăng “khoảng trống” này chỉ là một “khoảng không trống rỗng”, hay đó là trung tâm của sự sáng tạo, nơi tạo ra một thiên hà đầy sao, một cơn mưa nhiệt đới, một cơ thể con người, một ý nghĩ? Rốt cục thì suy nghĩ là gì nếu không phải là rung động của năng lượng và thông tin? Chúng ta đã quá quen với sự trải nghiệm về suy nghĩ dưới dạng ngôn ngữ. Có lẽ bởi đều thấy chúng biểu hiện bằng ngôn ngữ nên chúng ta cho rằng suy nghĩ đương nhiên phải là một hoạt động riêng có của con người. Thực tế là nếu suy nghĩ là sự rung động thông tin và năng lượng thì đó có thể là một hoạt động của toàn vũ trụ. Suy nghĩ của con người chỉ là sự tập trung khu biệt thông tin và năng lượng trong một vũ trụ sống động đầy thông tin và năng lượng. Các ý nghĩ là các sự kiện lượng tử trong “trường khả năng thuần khiết” mà ngày nay người ta gọi là “trường thống nhất”. Các ý nghĩ có thể là các sự kiện lượng tử biến đổi thành các sự kiện không – thời gian.

Công trình nghiên cứu tiên phong của Tiến sỹ Candace Pert và các đồng nghiệp cuối những năm 1970 đã đưa ra bằng chứng về cơ sở sinh hóa của tâm thức và sự nhận thức, chỉ ra cách các hóa chất bên trong – các axit amin thần kinh – hoạt động như những sứ giả truyền thông tin qua một mạng lưới liên kết tất cả các hệ thống và cơ quan của chúng ta. Những gì chúng ta hình dung là cái mà Tiến sỹ Pert gọi là “tâm thức di động”, một tâm thức không chỉ tồn tại ở trong não mà ở khắp cơ thể.

Khi các nhà khoa học nghiên cứu các tế bào của hệ miễn dịch như tế bào T, B, tiểu thực khuẩn và bạch cầu – các tế bào bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trùng, ung thư, các rối loạn thoái hóa và sự tàn phá của tuổi tác – họ đã tìm thấy các cơ quan thụ cảm của tế bào miễn dịch giống như những gì họ thấy ở các tế bào thần kinh. Nói cách khác, các tế bào miễn dịch, theo một cách nào đó, đang “lắng nghe” câu chuyện bên trong của chúng ta. Cuộc trò chuyện vẫn luôn diễn ra. Trên thực tế, nó đang diễn ra ngay lúc này khi bạn đánh giá xem tôi nói gì, đồng tình, phản đối. Nó diễn ra trong giấc ngủ. Nó diễn ra trong giấc mơ.

Ngày nay, nếu bạn hỏi một nhà sinh học nghiên cứu về thần kinh rằng liệu có sự khác biệt rõ rệt nào giữa hệ miễn dịch và hệ thần kinh không, ông ta sẽ trả lời là không. Hệ miễn dịch là một hệ thống thần kinh tuần hoàn. Nó có thể không suy nghĩ ở dạng các ý nghĩ có cấu trúc ngôn ngữ, nhưng hoạt động giống như thế. Nó có ký ức. Nó đưa ra các lựa chọn. Nó có khả năng học hỏi. Nếu chúng ta nói đến thông tin và năng lượng thì hệ miễn dịch cũng phức tạp như hệ thần kinh trong sự biểu hiện thông tin, năng lượng, ký ức, khả năng học hỏi và khả năng thích nghi của nó.

Vì vậy ngày nay khi nói: “Tôi có một cảm giác nào đó trong ruột”, có thể bạn đang sử dụng phép ẩn dụ, bởi vì ruột bạn khi có một cảm giác cũng tạo ra các chất hóa học tương tự như não bạn khi suy nghĩ. Tôi cho rằng có thể những cảm giác trong ruột của bạn còn chính xác hơn bởi vì các tế bào ruột chưa từng học cách nghi ngờ cảm giác của chính mình.

Các bằng chứng như vậy đang dẫn dắt ít nhất một số người trong chúng ta đưa ra giả thuyết rằng cơ thể là sự trải nghiệm nhận thức khách quan, còn tâm thức là sự trải nghiệm nhận thức chủ quan. Bạn không thể lấy ý nghĩ hay cảm xúc, khoanh vùng và quan sát nó qua một kính hiển vi hay trong một ống nghiệm. Không có nhà thần kinh học nào thực sự quan sát được tâm thức khi phân tích não bộ. Không có nhà phẫu thuật thần kinh nào tìm ra thứ được gọi là tâm thức khi phẫu thuật não bộ. Bằng chứng cho thấy tâm thức tồn tại là do suy luận, do chúng ta có các ý nghĩ, cảm giác, cảm xúc, mong muốn, do chúng ta yêu một ai đó và có sự say mê những thứ nhất định. Tuy bằng chứng về sự tồn tại của tâm thức là do suy luận, nhưng chúng ta nhận thức trực tiếp về nó qua những trải nghiệm chủ quan của chính mình. Có thể cơ thể con người chỉ là một hiện tượng phụ, một sự trải nghiệm khách quan của nhận thức.

Tôi tin rằng việc tâm thức và cơ thể là một thứ không thể tách rời trong mỗi biểu hiện sẽ trở nên rõ ràng. Tâm thức và cơ thể là một thứ không thể tách rời, không chỉ trong chức năng sinh lý của con người hay động vật, mà còn trong chức năng sinh lý của hành tinh chúng ta, và có thể chức năng sinh lý của cả vũ trụ. Thông tin, năng lượng, vật chất là một và không thể tách rời trong mỗi khía cạnh của toàn vũ trụ. Einstein đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng vật chất và năng lượng về bản chất là giống nhau. Chúng ta chỉ cần bổ sung thêm một yếu tố khác: Thông tin. Tâm thức và cơ thể như một là một hiện tượng tự nhiên có thực và biểu hiện bản thân thông qua vòng phản hồi điều khiển. Nó ảnh hưởng tới sự biểu hiện bản thân. Nó có khả năng ghi nhớ và khả năng học hỏi. Vì lý do này con người không chỉ đơn thuần gọi nó là thông tin, mà gọi nó là hiểu biết. Hiểu biết là thông tin sống động. Và chúng ta là thành phần của một vũ trụ suy nghĩ, chuyển hóa, liên kết và tồn tại…

 

Deepak Chopra

Biên tập: ahamevam