Trung Y – Nghệ Thuật Trị Liệu Cổ Truyền Trung Hoa (Phần 2)

Phần 2 – Phương Cách Tổng Hòa

Tương ứng với cái nhìn thì phương cách bào chế, phối hợp thuốc men của Trung Y cũng là phương cách “vi nhi vô vi”: trị bệnh mà như không trị bệnh. Khi đau sắc thuốc uống thuốc cũng như lúc khỏe pha trà nhấp trà. Thảo mộc có thể dùng để nấu cháo thì cũng có thể dùng để chế cao. Thành ra ngày thường ta dùng thực vật làm thực phẩm thì khi ốm đau ta cũng dùng thực vật làm dược liệu. Cho nên Trung Y rất thiện dụng lối dùng toàn bộ vị thuốc mà rất coi thường các phép trích khai, bởi 2 lý do: thứ nhất vì hợp lẽ tự nhiên, đúng quy tắc “vi nhi vô vi”; thứ hai vì thích nghi với nhãn quan tổng hợp, toàn diện, bởi “nhất vật bất cụ, tắc sinh giả vô do đắc sinh’ (một vật không đầy đủ thì sự sống của nó không có lý do để sống). Vả lại về nguyên tắc phép dùng thuốc của Trung Y là thông qua quy luật “đồng khí tương cầu”, bởi trong vũ trụ vạn vật vốn đồng nhất thể. Trên một khía cạnh khác, tính cách tương ứng giữa mọi sự áp dụng vào dược lý cũng thể hiện qua hình thức phân loại dược phẩm tùy theo thành phần, bộ phận nặng nhẹ: phần nhiều hoa lá, vốn nhẹ đều có tác dụng thăng phù, đi lên như Tân Di, Hà Diệp, Thăng Ma; phần nhiều quả hột, rễ củ, vốn nặng đều có công năng trầm giáng, đi xuống như Tô Tử, Chỉ Thực, Thục Địa v.v…

Do nơi quan niệm phép trị lớn (đại chế) thì không trị bằng cách chia lìa, không phân biệt thân một nơi, tâm một ngả, mà phải làm cho tâm thể bệnh hoạn trở về với Thiên Chân, tức là với cái lẽ Sống Một, điều lý sao cho quân bình giữa “Soma” và “Psyche” để đi đến cái thế “Đắc Nhất”. Không tách riêng tâm khỏi vật, cho nên phương pháp trị liệu của Trung Y nhìn chung là dựa vào sách lược “đại chế bất cát” (phép trị lớn không chia lìa). Trong một thang thuốc cũng vậy, có vị bổ thì phải kèm vị tả, cạnh thuốc bốc lên quá đáng phải kèm thuốc hạ xuống phần nào. Do đó lối dùng thuốc của Trung Y thường rất mực từ tốn, khoan thai – cả trong lúc cứu cấp – ít khi dùng những loại thuốc công tả mãnh liệt. Giống như kẻ sĩ bậc cao không bạo động vũ phu (thiện vi sĩ giả bất vũ), bậc lương y thường không sử dụng những phương pháp gây hấn, mạnh bạo để đối phó với ốm đau, mà chỉ huy động những liệu pháp nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Ai uống thuốc bắc cũng thấy rõ điều này: thuốc bắc ít công phạt, thuốc bắc “không nóng”, nhưng tác dụng không hề vì thế mà giảm thiểu, trái lại khả năng ảnh hưởng lâu dài theo thời gian là một đặc tính của dược liệu cổ truyền. Giống như bậc danh tướng không dùng sức mạnh để thắng địch mà thường tìm cách thắng một cách khéo léo dựa trên thuật “bất tranh nhi thiện thắng” (không tranh mà khéo thắng), người thầy thuốc cũng chiến thắng bệnh tật theo đường lối “quả nhi bất đắc dĩ” (thắng vì bất đắc dĩ). Mà Trung Y không phải là không biết đến các vị thuốc có tính năng mãnh liệt, hùng hậu, nguy hiểm, độc hại. Trái lại, Phụ Tử, thuộc bảng A của Tây Y (bảng kê các vị thuốc độc), là 1 trong 4 vị thuốc quý của Trung Y (Sâm, Nhung, Quế, Phụ).

Về chiến thuật, người thầy thuốc vận dụng dược liệu, kim châm cũng không ngoài lẽ Đạo. Cho nên nếu Đạo của Trời bớt chỗ thừa để bù chỗ thiếu (Thiên chi Đạo tổn hữu dư bổ bất túc) thì người châm y đâm kim vào huyệt là để rút bớt khí thừa vượng ở một cơ quan, địa khu, kinh lạc nào đấy hầu hướng đến một cơ quan, địa khu, kinh lạc khác đang thiếu khí, người y sĩ phục dược là nhằm mượn sức thuốc, tính thuốc dẫn hỏa (chẳng hạn) quy nguyên khi “nguyên” đang thiếu hỏa, bởi hỏa đã phân tán ra ngoại vi gần hết. Trong cả hai trường hợp, dùng thuốc hay dùng kim, bậc lương y đều có thể, tùy theo từng cơ quan có chức năng tăng hoạt hay suy nhược để mà linh hoạt bổ mẫu, tả mẫu, hay bổ tử, tả tử, hoặc châm bổ, châm tả theo nguyên lý ngũ hành sinh khắc, không ngoài mục đích mang chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu.

Nếu theo lẽ Đạo “táo thắng hàn, tịnh thắng động” thì chiến thuật dùng thuốc cũng chỉ là lợi dụng sự thiên lệch của tính thuốc, vị thuốc để sửa chữa sự thiên lệch của âm dương, lấy các vị thuốc ôn nhiệt chẳng hạn để chế ngự các chứng trạng hàn lương, hoặc trái lại cầu viện đến những dược phẩm cam hàn như Mạch Môn, Dương Sâm, Sa Sâm để sinh tân dịch trong những chứng ôn tà với sốt cao, khát nước, tân dịch ở vị bị thương tổn.

Kết quả là trong một thang thuốc, yếu điểm chỉ đạo chính là sự quân bình phải đạt được, sự điều hòa bắt buộc phải có giữa những dược liệu cấu thành thang phương, chứ không phải vấn đề nhiều hay ít, tuy rằng trong thực tế, tất cả nghệ thuật dùng thuốc là biết dừng lại đúng lúc, biết đến đâu là đủ, mà Lão Tử vẫn hằng khuyên nhủ qua những lối nói “tri chỉ”, “tri túc”, và người y sĩ mà không biết kịp thời dừng lại thì thật là đại họa. “Họa mạc đại ư bất tri túc” (Họa nào không gì bằng không biết đủ) là một cách ngôn vàng ngọc của nghề y.

Vì vậy hiếm có nền y khoa nào có một mô thức phối hợp dược vật độc đáo như Trung Y, trong một thang thuốc, mỗi vị thuốc là một vai trò linh hoạt, một chức vụ minh bạch. Có vị thuốc đóng vai vua, có vị thuốc giữ chức quan, có vị thuốc làm phụ tá, có vị thuốc giữ phần sứ giả (quân, thần, tá, sứ). Mà không phải chỉ có vai vua mới quan trọng, bởi mỗi vật đều có “tính” riêng của nó. Vua mà không có bề tôi, không sứ thần, không phụ chính thì vua với ai? Do đó nếu đối với Tây Y tá dược chỉ là một “xa xỉ phẩm”, thì đối với Đông Y tá dược là một “nhu yếu phẩm”. Sốt rét uống Ký Ninh quá đắng nên ta bọc một lớp đường quanh viên Ký Ninh cho dễ nuốt. Không có lớp đường, dĩ nhiên ta vẫn chiến thắng huyết trùng Lavenran với Ký Ninh. Vai trò tá dược đối với Tây Y thường chỉ là vậy. Nhưng trong bài Bình Phong Tán của Trung Y chẳng hạn, nếu không có vị Hoàng Kỳ cố biểu, vị Bạch Truật bổ trung, vị Phòng Phong khiếp phong tà, nếu không có bất cứ một vị nào trong ba vị ấy thì bài thuốc thực sự chẳng còn ý nghĩa gì nữa!

Cũng vì tình trạng điều hòa giữa các vị thuốc trong một phương tể được xem là cực kỳ quan trọng cho nên có nhiều dược liệu được Trung Y ân sủng do nơi tính năng hòa hoãn của chúng. Vị Cam Thảo chẳng hạn, mà Trung Y mô tả là có tác dụng khiến vị thuốc nóng bớt nóng, vị thuốc lạnh đỡ lạnh và gọi tên là Quốc Lão – hình tượng một vị lão quan nơi triều đình chuyên dàn hòa những va chạm, xích mích giữa các bạn đồng liêu – vị Cam Thảo ấy luôn luôn chiếm một chỗ ngồi danh dự trong các thang phương. Nếu tổng số thang phương của 2 cuốn Thương Hàn Tạp Bệnh Luận và Kim Quỹ Yếu Lược của Trương Trọng Cảnh lối 250 bài, thì Cam Thảo đã hiện diện trong không dưới 120 bài.

Và rồi mục tiêu tối hậu của phép trị bệnh cũng chỉ là giúp cho bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường, như Trang Tử nghĩ, phận sự duy nhất của mỗi vật là trở về với cái chân thể – tức là Đạo – nghĩa là trở về với cái “tính” của mình, để sống theo cái “tính” ấy. Đó tức là “phản kỳ chân” hay “phục kỳ bản”. Trung Y cũng không hề nói khác. Cứu cánh của bất kỳ liệu pháp nào bao giờ cũng là “trị bệnh tất cầu kỳ bản”. Phải chữa bệnh tận gốc để giúp con người trở lại nguyên trạng bình thường, giúp vạn vật sống theo tự nhiên (dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên), bởi yếu chỉ của nghiệp y không ngoài nguyên tắc “Đạo pháp tự nhiên” (Đạo bắt chước tự nhiên).

Chính vì rất suy tôn phong thái tự nhiên trong điều trị nên Trung Y luôn coi trọng chính khí, tức là khả năng tự vệ, tài sức đề kháng của châu thân mà có phần xem thường tà khí, nghĩa là các nhân tố gây bệnh thuộc về ngoại giới. Đối với Trung Y, mục tiêu phải đạt khi chữa bệnh là tái lập quân bình cơ thể đã đổ vỡ vì ốm đau, vì khi tình trạng chính thường được phục hồi thì nguyên nhân gây bệnh sẽ không thể nào hoành hành được nữa. Trong khi Tây Y chủ trương mở những cuộc hành quân nhiều khi thực rầm rộ để đánh gục cho kỳ được vi trùng tại cứ địa của chúng thì Trung Y quan niệm cần đặt thực nặng vấn đề nâng đỡ tổng trạng để giúp chính cơ thể tự lực diệt được vi trùng hoặc tự lực tái tạo các điều kiện bình thường vốn sẵn bất hợp cho sự tăng trưởng của các mầm bệnh. “Vis medicatrix naturae” nếu đã từng là kim chỉ nam của Hippocrate thì cũng là châu ngọc cách ngôn của Trung Y. Vì thế tuy không biết đến vi trùng, Trung Y vẫn có khả năng chữa trị được các bệnh truyền nhiễm, tức là các bệnh do vi trùng gây nên. Bởi đó các phép bổ dưỡng của Trung Y sau những trận đau liệt giường liệt chiếu thường mang đến những chiến công rực rỡ, đấy chính là một trong những biệt tài của y lý cổ truyền. Đối với Trung Y thì “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, trong khi đối với Tây Y thì đó là “quân điếu phạt trước lo khử bạo”. Dĩ nhiên nếu chúng ta phối hợp được cả hai đường lối, vừa “an dân” vừa “khử bạo” thì chắc chắn tập đoàn Vương Thông, Mộc Thạch của thế giới vi trùng, bè lũ Liễu Thăng, Hoàng Phúc thuộc dòng giống ký sinh sẽ không còn manh giáp và nhất là – mà điều này thập phần quan trọng hơn – “xã tắc từ đây vững bền”.

Nhưng đối tượng của việc trị liệu không phải chỉ nhắm đơn thuần vào cá nhân, mà qua cá nhân còn nhắm vào xã hội, vào vũ trụ. Bởi Hệ Từ viết: “Các chính tính mệnh bảo hợp thái hòa” (Gìn giữ tính cho ngay để bảo vệ sự hòa điệu đại đồng). Chữ “tính” viết với bộ “tâm” bên trái chữ “sinh”. “Sinh” là nguồn sống. Xã hội loài người từ thủa ban sơ là một xã hội hái lượm, săn bắn rồi chuyển qua nông nghiệp. Nó tiếp xúc rất mật thiết với thế giới thảo mộc, một thế giới rất sống động, dẫu là nơi rừng xanh hay trên đồng ruộng. Đến nỗi Dịch đã định nghĩa là: “Sinh sinh chi vị Dịch” (Luôn luôn nảy nở gọi là Dịch). “Sinh mệnh”, “sinh lực”, “sinh khí” được coi trọng như vậy, cho nên vũ trụ quan của con người phương Đông ở những thời viễn cổ là một vũ trụ quan sinh lý hơn là vật lý. Và thật là niềm hãnh diện lớn cho người lương y khi qua lăng kính Lão Trang, nghệ thuật của mình đã được quan niệm là tiếp tay với Đức lớn của Trời để bảo vệ phần nào sự sống.

Hệ quả của những nguyên lý tư duy như vừa trình bày đối với Trung Y là ngoài các liệu pháp vật lý và sinh học, còn có một lối trị liệu tinh thần nữa, với điều kiện là tình trạng lý trí, khả năng tự chế và kỷ luật nội thân cho phép làm như vậy.

Biên Tập

ahamevam