Công trình nghiên cứu tiên phong của Tiến sỹ Robert Ader, Tiến sỹ Herb Spector và nhiều người khác – những người đã sáng lập ra lĩnh vực miễn dịch thần kinh – cho thấy việc không thể tách biệt giữa tâm thức và vật chất là gì, đâu là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Một trong những thí nghiệm đầu tiên liên quan đến những chú chuột được tiêm hóa chất gọi là poly-I:C, một chất được biết đến với công dụng kích thích hệ thống miễn dịch và tăng cường khả năng kháng bệnh ở động vật. Trong vòng vài tuần, cứ mỗi lần được tiêm poly-I:C, chuột được cho ngửi mùi long não. Sau đó, chỉ cần ngửi mùi long não là tế bào miễn dịch của chuột đã tăng lên, ngay cả khi không tiêm poly-I:C. Trong một thí nghiệm khác, những chú chuột được tiêm cyclophosphamide, một hóa chất dùng để ngăn chặn và phá hủy hệ miễn dịch, cùng với đó là được nếm đường. Sau một thời gian, khi việc tiêm cyclophosphamide ngừng lại và chuột chỉ còn được nếm đường, tế bào miễn dịch của chúng vẫn tiếp tục giảm xuống cho đến chết. Đâu là điều khác biệt tạo nên sự sống và cái chết ở hai nhóm chuột này? Không có gì ngoài cách hiểu, ký ức về mùi long não và vị đường. Ký ức đã trở thành một phần trong cấu trúc tế bào của hệ miễn dịch. Ký ức không chỉ đơn giản có ở não, nó có ở mọi tế bào của cơ thể.
Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: “Điều này có liên quan gì đến chúng ta không?” Câu trả lời là có. Người ta ước tính rằng trung bình một người có khoảng 60.000 ý nghĩ mỗi ngày. Điều này không có gì ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là khoảng 90% những ý nghĩ chúng ta có ngày hôm nay cũng giống như những ý nghĩ ta có ngày hôm qua. Chúng ta đã trở thành những tập hợp của các phản xạ có điều kiện, nạn nhân của sự lặp đi lặp lại của ký ức. Hệ thần kinh liên tục được con người cùng các điều kiện ngoại cảnh tác động và đưa đến các kết quả có thể đoán trước. Kết quả là chúng ta tạo ra cùng một khuôn mẫu thông tin, năng lượng liên tục đưa đến các kết quả giống nhau, cho dù chúng là những phản ứng hành vi hay là những phản ứng sinh hóa. Thật trớ trêu là nỗi đau khổ của ta ngày hôm nay lại là nỗi đau khổ của ta ngày hôm qua để lại.
Điều này dường như không đến nỗi trừu tượng như vẻ ngoài của nó. Vài năm trước, một công trình nghiên cứu được Đại Học Ohio công bố, trong đó các nhà khoa học đã nghiên cứu sự chuyển hóa cholesterol ở loài thỏ. Họ nuôi một bầy thỏ và cho ăn theo chế độ ăn có lượng cholesterol khá cao. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra một nhóm thỏ không có mức cholesterol cao như nhóm còn lại mặc dù chúng có cùng chế độ ăn. Sau khi xem xét cẩn thận, họ đã khám phá ra một sự khác biệt giữa những chú thỏ này với những chú thỏ khác: những chú thỏ khỏe mạnh trước khi ăn thường được bế ra khỏi lồng và âu yếm, vuốt ve, sau đó người ta mới cho chúng ăn. Kết quả của thí nghiệm này – bạn có thể gọi đó là yêu thương, hay bạn có thể gọi nó là thông tin, tùy bạn – là những con thỏ khỏe mạnh có thể đã có các axit amin thần kinh và hoạt chất để chuyển cholesterol sang một hướng chuyển hóa khác. Điều này đã tạo ra sự khác biệt quan trọng giữa sự sống và cái chết, vì cholesterol là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim, sát thủ số một trong cuộc sống của chúng ta.
Như vậy bạn đã thấy một ví dụ rõ ràng về việc tâm thức có ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa thức ăn, trong trường hợp này là có hay không chuyển hóa một lượng cholesterol cao. Ngày nay các nhà khoa học đang nghiên cứu hiện tượng này rất cẩn trọng và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hình ảnh, mùi vị của thức ăn bị ảnh hưởng bởi những gì diễn ra trong tâm thức bạn khi ăn. Bạn có thích thức ăn đó hay không? Bạn có tiếp nhận nó như một thứ rất thú vị hay không? Bạn có cảm thấy giận dữ, lo lắng khi ăn hay không? Cho dù cảm thấy thế nào thì khoảng thời gian bạn dành ra để ăn chỗ thức ăn đó, cùng các cảm xúc trong lúc ăn, tất cả những thứ đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa. Thêm một bằng chứng nữa cho thấy tâm thức là quan trọng số một và vật chất là số hai.
Vài năm trước, các nhà khoa học ở trường Đại Học Y Miami đã công bố trong tập san nhi khoa một công trình nghiên cứu của họ về những trẻ em bị đẻ non. Họ phân những bé này, những bé ra đời trước 10 tuần, thành 2 nhóm và cho chúng uống cùng một loại sữa giống nhau. Ở một nhóm, người ta khoan các lỗ ở lồng ấp để một người nghiên cứu có thể chạm tới và vuốt ve em bé 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 phút. Dĩ nhiên, họ không gọi đó là vuốt ve – họ gọi là “kích thích xúc giác” – một thuật ngữ do G. Orwell tạo ra, và nếu Chúa cho phép, hãy gọi đó là yêu thương. Những đứa bé nhận được sự vuốt ve 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 phút, tăng trung bình 49% trọng lượng cơ thể so với những bé không được vuốt ve. Điều này giúp những người nghiên cứu đi đến kết luận rằng sự “kích thích xúc giác” là một phương pháp mang lại lợi nhuận bởi vì bạn có thể tiết kiệm 300 USD cho mỗi bé. Tôi dám chắc rằng hội Blue Cross sẽ sớm có chương trình quảng cáo cho những kết luận này!
Mới đây, các bác sĩ chuyên khoa tim và các bác sĩ dịch tễ học đã bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về các yếu tố rủi ro có liên quan đến bệnh tim mạch. Cho dù chúng ta đã biết nguyên nhân dẫn đến các cơn đau tim là hút thuốc, tăng huyết áp, cholesterol cao và tiền sử gia đình, nhưng nếu thực sự nhìn vào các số liệu ngày nay, bạn sẽ nhận thấy còn có những nguyên nhân khác trong bệnh án của đa số những người chết vì đau tim trước khi bước sang tuổi 35. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cảnh báo số một về những cơn đau tim chí tử là sự bất mãn đối với công việc. Cảnh báo phổ biến thứ hai là việc thiếu hạnh phúc cá nhân, hay chính xác hơn là cảm giác vô nghĩa vì sống không có mục đích.
Một kết quả khác từ những nghiên cứu này cũng đã được lặp lại ở Pháp là việc phát hiện ra ngày càng có nhiều người chết vì đau tim tại một thời điểm đặc biệt. Có nhiều người chết vì đau tim vào khoảng 9 giờ sáng thứ 2 hơn bất kỳ một thời điểm nào khác. Đây là một kết quả lạ thường và gây ngạc nhiên cho rất nhiều người. Có lẽ không có loài vật nào khác biết sự khác biệt giữa thứ 2 và thứ 3. Và sự khác biệt đó là gì? Đơn giản chỉ là một “quan niệm”.
Bạn không thể quan sát được “quan niệm” qua bất kỳ công cụ khoa học nào mà ta biết. Bạn không thể khoanh vùng chúng trong một ống nghiệm. Không có thiết bị đo đạc nào có thể cho bạn biết chiều dài hay sự yếu ớt của một quan niệm. Các quan niệm là những thứ vô cùng phù du trong không gian trừu tượng mà chúng ta gọi là tâm thức này. Nhưng các quan niệm đó có thể là dấu hiệu của bệnh tật, sự tàn phá, hủy diệt, và chiến tranh. Chúng cũng có thể là những thứ giúp hàn gắn, chữa lành. Cơ thể chúng ta là những trường quan niệm, những thứ xuất hiện như kết quả của quá trình suy nghĩ, những gì diễn ra trong tâm thức, cho dù tâm thức đó là gì.
Tôi muốn định nghĩa tâm thức bằng cách gọi nó là sự nhận thức gồm ít nhất 3 yếu tố: sự chú ý, sự hướng đích, và sự ghi nhớ. Bạn cũng có thể nói rằng sự chú ý, sự hướng đích và sự ghi nhớ là thông tin và năng lượng. Do đó tâm thức, trường lượng tử của thông tin và năng lượng trong thế giới tự nhiên có thể là những thứ giống nhau. Chúng có thể chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một thứ. Nền tảng của thế giới vật chất là phi vật chất, nó được tạo thành từ các trường năng lượng và thông tin. Các trường năng lượng và thông tin này tự bộc lộ trong chức năng sinh lý của con người, qua hệ thống thần kinh của con người như sự nhận thức với 3 yếu tố: sự chú ý, sự hướng đích, sự ghi nhớ – tất cả những điều mà chúng ta trải qua một cách chủ quan tại mỗi thời khắc chúng ta tồn tại.
Có vẻ như đây là một mô hình mới và nó phù hợp với mô hình đã tồn tại trong truyền thống Veda, rằng tâm thức tiếp nhận, chi phối, cấu tạo và trở thành vật chất. Chức năng sinh lý của chúng ta là một phần trong vũ trụ hữu cơ có chức năng sinh lý tương tự, ở đó thế giới vi mô và vĩ mô phản chiếu lên nhau trên mọi khía cạnh.
Nếu phải mô tả lại những điều này theo ngôn ngữ của khoa học hiện đại, tôi sẽ nói rằng ở mức độ giác quan, có một thế giới vật chất được tạo ra từ các nguyên tố. Vượt ra khỏi thế giới vật chất, bạn sẽ thấy các trường năng lượng và thông tin. Vượt ra khỏi các trường năng lượng và thông tin, bạn sẽ thấy các sự kiện không – thời gian. Vượt ra khỏi các sự kiện không – thời gian, bạn sẽ thấy một trường thống nhất nơi các sự kiện không – thời gian được kết tụ dưới dạng các sự kiện vật chất.
Cái mà khoa học gọi là “trường thống nhất” – khả năng của các lực tự nhiên chuyển hóa thành sự kiện vật chất – không là gì khác ngoài bản thân tâm thức. “Trật tự hàm ẩn” này cơ bản mở ra trật tự diễn biến của các sự kiện không – thời gian. Có một sự toàn vẹn bên dưới tất cả những điều này, nơi đó chúng ta là một phần của mạng lưới – một mạng lưới khổng lồ – với mỗi một thành phần của nó được nối liền nhau không thể tách rời.
Không có thuật ngữ khoa học nào để mô tả sự trải nghiệm của tâm thức thống nhất này. Có lẽ chỉ có thể gọi đó là Tình Yêu, không chỉ như cảm xúc, mà còn là hiểu biết. Đó là hiểu biết dựa trên trải nghiệm rằng bạn và tôi không chỉ được tạo nên từ cùng một chất liệu, chúng ta còn là cùng một sinh thể dưới những vỏ bọc khác nhau. Và chính từ Tình Yêu ấy mà Trị Liệu đích thực bắt đầu…
Deepak Chopra
Biên tập: ahamevam