Một trong những điều đầu tiên tôi học được ở Ấn Độ là y học là một nghệ thuật. Cho đến lúc đó tôi đã nhìn cuộc sống một cách máy móc. Tôi xem con người như những cỗ máy và bệnh tật, sức khỏe là những vấn đề kỹ thuật. Ayurveda đã dạy tôi rằng các phương pháp chữa trị chỉ có thể chữa lành khi có người chữa trị tham gia. Bạn có thể vẽ tranh, làm chậu thủ công hoặc sáng tác âm nhạc cả ngày, nhưng trừ khi bạn truyền sức sống vào những tác phẩm của mình, chúng sẽ vẫn lạnh lẽo và vô hồn. Biết làm thế nào để khiến một tác phẩm trở nên sống động là những gì tách biệt một nghệ sĩ đích thực với một người thợ đơn thuần. Những nghệ sĩ của y học, nam cũng như nữ, những người đã làm đám cưới giữa nghệ thuật và khoa học của mình, sẽ tạo nên sự chữa trị tốt lành.
Nhưng Ayurveda (nghĩa đen là “khoa học về cuộc sống”, hay “hiểu biết về sự sống”, hay “nghệ thuật của trường thọ”) còn hơn cả một nghệ thuật trị liệu. Ayurveda chỉ ra rằng mọi thứ, ví dụ việc nấu ăn, đều là những thứ khiến cuộc sống trở nên đáng sống. Một bác sĩ Ayurveda lão luyện phải là một đầu bếp giỏi để chuẩn bị thuốc men. Các dược phẩm được chế biến thủ công của Ayurveda thường có phẩm chất vượt trội so với các dược phẩm được chế tạo bằng máy, theo cùng cách mà cái chạm tay của một đầu bếp bậc thầy có thể biến một món súp thông thường thành một thứ phi thường. Hầu hết các đầu bếp vĩ đại đều không biết gì về nhiệt động lực học trong chế biến thực phẩm; những gì họ biết là làm sao để thực phẩm làm hài lòng khẩu vị con người. Giống như việc một đầu bếp bậc thầy là một nghệ sĩ ẩm thực, một bác sĩ Ayurveda là một nghệ sĩ kê đơn. Một bác sĩ Ayurveda giỏi có cùng cảm nhận về các liệu pháp của mình như một đầu bếp giỏi cảm nhận về các công thức nấu ăn. Cảm nhận này, thứ phát triển khi người bác sĩ chú ý đến Thiên Nhiên (Prakriti), là điều truyền tải sự thành thạo kỹ thuật của bác sĩ lâm sàng vào việc chữa trị bằng trực giác. Ayurveda không chỉ là khoa học; nó đã tiến bộ vượt ra ngoài khoa học cơ giới.
Không người bác sĩ nào có thể chữa lành cho người bệnh kể từ khi khởi thủy và sẽ không người bác sĩ nào làm được, chỉ Thiên Nhiên là có thể chữa lành. Thiên Nhiên thực hiện những phép lạ; các bác sĩ chỉ cần dạy cho bệnh nhân của họ cách khám phá sự kỳ diệu của Thiên Nhiên. Các bác sĩ nên sử dụng những gì họ có thể học được về bệnh tật trong quá khứ, điều kiện trong hiện tại để xác định khả năng tương lai của bệnh nhân và thiết lập các sách lược cho việc chữa lành.
Các bác sĩ đích thực không ngừng cống hiến bản thân như những kênh mà qua đó Thiên Nhiên có thể thực hiện phép lạ của mình. Đó là lý do vì sao Ayurveda dạy rằng mọi bác sĩ đều có nghĩa vụ phải cố gắng hết sức để chữa trị cho tất cả bệnh nhân trong mọi lúc, ngay từ khi chẩn đoán.
Mặc dù liên tục lưu ý đến sự cần thiết của việc chữa trị khi có bệnh, Ayurveda luôn nhấn mạnh đến việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Làm cân bằng và trẻ hóa các sinh thể, Ayurveda giảm sự kích ứng và tăng cường khả năng miễn dịch của sinh thể để ngăn ngừa bệnh tật mới phát triển.
Hơn cả một hệ thống y học, Ayurveda là một lối sống, một con đường để học cách hợp tác với Thiên Nhiên và hài hòa cùng Thiên Nhiên. Sức khỏe trong Ayurveda có nghĩa là sự hài hòa, và thực sự không có giới hạn về mức độ cân bằng mà một người chân thành tìm kiếm sự hài hòa có thể đạt được.
Một số người phàn nàn rằng Ayurveda hoạt động khá chậm chạp, nhưng chậm chạp thường là một phần của phương pháp, đặc biệt là ngày nay khi nhiều người trong chúng ta mắc căn bệnh vội vàng. Sinh lý người đã không thay đổi gì nhiều kể từ khi lịch sử được ghi lại. Công nghệ của chúng ta đã tiến bộ hơn, chắc chắn, nhưng cơ thể và tâm thức của chúng ta vẫn gần như giống hệt với tổ tiên, những người đã mắc phải những chứng bệnh tương tự, biểu lộ những phẩm chất đáng ngưỡng mộ và đáng khinh bỉ tương tự như những gì mà chúng ta biểu lộ. Điều khác biệt là vào thời cổ, khi Ayurveda đang phát triển, con người ít có khả năng kiểm soát môi trường bên ngoài hơn nhiều so với chúng ta ngày nay. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác và tin cậy vào Thiên Nhiên.
Thiếu công cụ bên ngoài, họ trau dồi khả năng chẩn đoán trực tiếp. Sống gần gũi với Thiên Nhiên, họ nhận ra Thiên Nhiên sẽ nói với mình về tác dụng chữa bệnh của các loài thực vật, động vật và khoáng vật nếu lắng nghe lời chỉ dạy của Bà. Những nhà nghiên cứu ban đầu đã thử nghiệm trên chính bản thân mình, mỗi thế hệ truyền lại những điều quan sát được cho thế hệ tiếp theo. Những hiểu biết y học này đã được thu thập và hệ thống hóa lại sau đó, rất lâu trước đây, dưới dạng Ayurveda.
Những nhà Ayurveda cổ đại sử dụng tâm thức của mình như những hệ thống máy tính, vì vậy đã phát triển khả năng ghi nhớ đến mức họ trở thành những kho dữ kiện y học cực kỳ phong phú. Sau đó, sử dụng sức mạnh tinh tế của trực giác để ứng dụng những gì đã học vào chữa trị, họ đã biến Ayurveda thành một nghệ thuật trị liệu, và xác quyết rằng mục tiêu đích thực cho bất kỳ hệ thống y tế nào không gì khác hơn là đạt đến “sự bất tử”…
Robert A. Svoboda
Biên Tập: Ahamevam