Nhiều người, kể cả các y sĩ, đều không thỏa mãn với khuynh hướng duy vật trong việc lý giải về bệnh tật và sức khỏe. Cuộc cách mạng y học đang nổi lên ở phương Tây hiện nay chủ yếu dựa trên những minh kiến cổ truyền của Ấn Độ và Tây Tạng, nơi việc trị liệu và thực hành tâm linh có liên hệ mật thiết với nhau. Trong y học Ayurveda và Tây Tạng truyền thống, cơ thể con người không đơn thuần chỉ là một hệ thống duy trì sinh mạng, đó còn được xem như một phương tiện để nhận ra trạng thái lành mạnh hoàn hảo của cơ thể, tâm thức và tinh thần – chiếc cầu nối với khả năng cao nhất của chúng ta.
Nơi tâm điểm của truyền thống y học Tây Tạng là sự nhận biết rằng thế giới vật chất, bao gồm cả cơ thể con người, ở một mức rộng lớn là sản phẩm nhận thức cá nhân của chúng ta, và chính tâm thức dẫn hướng cơ thể tới trạng thái khỏe mạnh hay ốm yếu. Các mô hình về bệnh tật trong y học Tây Tạng – Ayurveda cho thấy cơ thể chúng ta thường biểu lộ những yếu tố nội tại, thậm chí cả tiềm thức, các trạng thái tâm lý như thế nào. Nhiệm vụ người y sĩ trong hệ thống này là dẫn dắt người bệnh hướng tới sự tự thức tỉnh lớn lao hơn, vượt qua mọi giới hạn áp đặt của cái tôi, chất liệu nuôi dưỡng bệnh tật. Cuối cùng, việc điều trị đích thực bắt đầu khi chúng ta phát hiện trong mình nơi chúng ta được kết nối với nguồn lực vĩ đại hơn của vũ trụ. Dù mỗi con người dường như hiện hữu cách biệt và độc lập, song tất cả chúng ta vẫn luôn liên kết với các hình mẫu trí tuệ chi phối toàn vũ trụ. Cơ thể chúng ta là một phần cơ thể vũ trụ, tâm thức chúng ta là một biểu hiện của tâm thức vũ trụ.
Khi các yếu tố sinh lý của con người và năng lực của thế giới vĩ mô trong trạng thái hài hòa, dòng trí tuệ tự nhiên tự động chảy qua các tế bào cơ thể. Dù có hay không thuốc men hoặc các biện pháp chữa trị khác của người y sĩ, người bệnh cũng đã được định hướng tới quá trình điều trị có khả năng phục hồi sự cân bằng năng động giữa cơ thể và tâm thức, dẫn đến sự lành mạnh của cả thể chất, cảm xúc và tinh thần. Lành mạnh sau đó trở thành một trạng thái cao cấp của nguồn sinh lực, sức sáng tạo, sự an bình và niềm vui, nơi chúng ta vượt qua cái tôi cá nhân.
Trong cuốn Trị Liệu Lượng Tử (Quantum Healing) tôi đã mô tả việc tâm thức tạo ra thực tại và tâm trạng mong muốn có ảnh hưởng tới kết quả như thế nào. Sự thức tỉnh, sự quan tâm và ý chí cần có một vai trò tương tự như thuốc men, xạ trị hay phẫu thuật, vì hơn bao giờ hết trạng thái tâm thức của con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình trị liệu. Với Phật giáo, sự chuyển hóa của tâm thức và cơ thể khởi đầu với kinh nghiệm về Không (S: sunyata – T: stong pa nyid), sự thuần khiết, vô biên của toàn bộ thực tại như đã là, đang là, và sẽ là. Các bức họa trong cuốn sách này sẽ hướng dẫn chúng ta đi vào thế giới của những khả năng vô tận đó một cách sống động và trực tiếp.
Nghệ thuật Ấn Độ và Tây Tạng luôn có mục đích nhắc nhở chúng ta về một thực tại cao hơn ngay nơi khả năng nội tại của chính chúng ta. Các bức họa trong Mật Điển Y Học Phật Giáo cũng không ngoại lệ. Đó là công cụ sống động để khám phá vai trò của tâm thức trong việc kết tạo nên bệnh tật hay sức khỏe cũng như phát hiện ra trong chúng ta, nơi trí tuệ bẩm sinh của cơ thể phản ánh trí tuệ của vũ trụ.
Các bức họa (thangka) về y học Tây Tạng trong cuốn sách này là tác phẩm của một họa sĩ tài năng đặc biệt. Được nhận ra là hóa thân một danh họa người Tây Tạng khi 5 tuổi, hội họa của Romio mang tính thiêng liêng. Sự trong sáng, phi thường nơi những tác phẩm của ông tác động lên nhiều bình diện khác nhau, gợi lên khả năng trị liệu phản chiếu từ nội tâm. Các bức họa mô tả những chứng bệnh con người mắc phải cũng như sự phức tạp của hệ thống trị liệu cổ truyền và sâu sắc, những thái độ, hành vi dẫn tới tình trạng đau yếu hay mạnh khỏe, giới thiệu với chúng ta những cách hiểu mới về mối liên kết giữa tâm thức và cơ thể. Chúng cũng trình bày chi tiết những biểu đồ chẩn đoán, phác đồ điều trị của y học Tây Tạng như bắt mạch, thay đổi chế độ ăn uống, thực hành yoga, thiền và xoa bóp. Những bức họa truyền tải sự hiểu biết theo một phong cách thanh thoát, tự nhiên. Khi ngắm nhìn những hình ảnh vượt thời gian này, những biến đổi trong tâm thức chúng ta sẽ xuất hiện. Tâm thức ý niệm tĩnh lặng, và quan kiến mới về sức khỏe và trị liệu bắt đầu trải mở.
Thay đổi về tâm thức dẫn đến thay đổi về cơ thể. Theo kinh nghiệm của tôi thì chúng ta chuyển những kinh nghiệm nhận thức của mình vào phản ứng sinh lý. Một thành ngữ Phật giáo cổ nói rằng: “Muốn biết những trải nghiệm của mình trong quá khứ, hãy xem xét cơ thể của mình nơi hiện tại. Muốn biết cơ thể của mình trong tương lai, hãy nhìn vào những gì mình đang trải nghiệm.”
Nghệ thuật tôn giáo trong truyền thống Tây Tạng mô tả những năng lực tương hỗ của thế giới vĩ mô và vi mô theo phong cách biểu tượng. Chỉ cách nhìn nghệ thuật như vậy cũng có thể gợi lên trong tâm thức chúng ta một ký ức về trạng thái toàn vẹn. Phạn ngữ “smriti” chỉ tới ký ức vi tế ẩn sâu nơi từng tế bào trong cơ thể chúng ta. Thuật ngữ “trị liệu” (healing) có nguồn gốc là “linh thiêng” (holy), rút ra từ nguyên ngữ “toàn vẹn” (whole). Khi ký ức về sự toàn vẹn được phục hồi, việc trị liệu lập tức phát sinh ngay trong tâm thức và cơ thể chúng ta. Smriti, hay ký ức, thứ thuộc về trạng thái toàn vẹn nguyên sơ luôn luôn hiển hiện ở cấp độ tế bào, nhưng bị lu mờ do thói quen lơ đãng hay những mối bận tâm thế tục thông thường.
Khi chúng ta thiền về những bức tranh này với ký ức về sự toàn vẹn, sự chú ý sẽ chuyển từ những hoạt động rối loạn bên ngoài tới một thực tại siêu việt: một cõi bình an, hài hòa, tươi mới và vui sướng. Sự phục hồi phẩm chất đó trong tâm thức một lần nữa cho phép dòng trí tuệ tự nhiên tuôn chảy khắp cơ thể. Thành tựu vĩ đại của nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt trong những bức họa về y học Tây Tạng, là khám phá về cơ thể con người như một phương tiện của sự siêu việt và giải thoát tâm linh. Tôi vô cùng vui sướng được giới thiệu những bức họa này, thứ đã mang lại một chiều kích cho các công việc mà tôi đã giới thiệu qua các cuốn sách, các cuộc hội thảo và thực hành y khoa.
Cơ thể vật chất là sản phẩm phụ của các cấp độ tinh tế trong sự hiện hữu của chúng ta. Dưới sự tác động của các cấp độ tinh tế này, chúng ta bắt đầu chuyển hóa nhận biết về việc chúng ta là ai và như thế nào? Những bức họa trong Mật Điển Y Học Tây Tạng đưa chúng ta vào cuộc hành trình không chỉ xuyên suốt thế giới bên ngoài về bệnh tật và chữa trị, mà còn tác động tới chúng ta trên bình diện của thân thể tinh tế (subtle body), một kho tàng nội tại các cảm nhận, cảm xúc, mong muốn và ký ức. Chúng cũng có thể tác động tới thân thể nguyên nhân (causal body), nơi lưu trữ các “phần mềm” của tâm hồn chúng ta.
Nghệ thuật trị liệu chỉ thành công khi tất cả hành vi của chúng ta được truyền cảm từ một thực tại cao hơn, trong đó đặc tính cá nhân của chúng ta bất khả phân ly với năng lực sáng tạo của vũ trụ. Tôi sâu sắc tin rằng nghệ thuật vĩ đại có thể phát khởi sự điều trị phục hồi ngay bên trong chúng ta, thúc giục chúng ta vượt lên cái tôi chật hẹp, vượt lên thời gian và giới hạn. Đó là trạng thái tự do của chư Phật, những đấng đã thức tỉnh, điều mà các bức họa hướng chúng ta tới. Cầu mong cho những hình ảnh về khả năng của con người này sẽ giúp đỡ các sinh linh khắp mọi nơi tái khám phá ra trạng thái hoàn hảo của sức khỏe và hạnh phúc tinh thần.