Y Khoa Tâm Thể – Nghệ Thuật Trị Liệu Tây Phương Hiện Đại (Phần 1)

Tôi muốn giới thiệu với các bạn một mô hình đã từng là mô hình nhận thức trong truyền thống Veda từ hàng nghìn năm nay. Tôi cũng muốn giới thiệu với các bạn một số quan niệm về trị liệu dựa trên mô hình này.

Cho đến gần đây mô hình khoa học của chúng ta vẫn dựa trên sự giải thích duy vật, thế giới quan của Newton, nói cách khác là dựa trên giả thuyết cho rằng các giác quan, hay các công cụ khoa học thay ghép cho các giác quan, cho chúng ta một bức tranh chính xác về thế giới. Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng ngày nay rất nhiều nhà khoa học đã nhận thức được quan niệm cho rằng các giác quan, hay thậm chí các công cụ khoa học cho chúng ta một bức tranh chính xác về thế giới là không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, cái gọi là thế giới khách quan là câu trả lời cho người quan sát, thật vậy, kết quả những giải thích của chúng ta trong quá trình quan sát và của những công cụ mà chúng ta sử dụng để tạo ra những quan sát này.

Vài năm trước, một thí nghiệm với các chú mèo con đã được các nhà khoa học tại Trường Đại Học Y Harvard thực hiện. Ngay từ khi mới sinh, người ta đã nuôi một số mèo trong một khu vực sơn bằng các vạch kẻ ngang, tất cả các tác nhân kích thích thị giác trong môi trường của chúng đều nằm ngang. Một nhóm khác được nuôi trong một khu vực với các vạch kẻ dọc, và đó là tất cả những gì mà chúng có thể nhìn thấy. Khi những chú mèo này lớn lên, những chú mèo chỉ tiếp xúc với những vạch ngang thì chỉ nhìn thấy thế giới nằm ngang, chúng va đụng vào chân những đồ vật như thể những cái chân đó không tồn tại. Những chú mèo được nuôi dưỡng trong thế giới dọc cũng gặp vấn đề tương tự với thế giới ngang. Lẽ dĩ nhiên điều này không có gì liên quan đến hệ thống lòng tin ở những chú mèo này. Khi người ta nghiên cứu não bộ của chúng, một nhóm mèo không có sự nối kết liên thần kinh để nhìn thấy thế giới ngang, còn nhóm kia cũng không có sự nối kết liên thần kinh để nhìn thấy thế giới dọc. Sự trải nghiệm giác quan ban đầu của những chú mèo này và cách thức chúng hiểu sự trải nghiệm đó theo nhận thức của mình ngay từ những ngày đầu mới sinh, khi thị lực phát triển, đã thực sự hình thành sự phân tách hệ thần kinh của chúng. Rốt cục, những chú mèo này chỉ nhận biết được những gì người ta đã thiết lập cho chúng.

Một số nhà tâm lý học đã có thuật ngữ rất thú vị về hiện tượng này, họ gọi nó là “cam kết nhận thức sớm”. “Sớm” là vì việc này được tiến hành ngay từ giai đoạn đầu của cuộc sống. “Nhận thức” là vì nó ảnh hưởng đến sự phân tách hệ thần kinh mà chúng ta sử dụng để nhận biết về thế giới. Và “cam kết” là vì nó gắn bó chúng ta với một thực tại nhất định. Ngay lúc này đây hệ thần kinh của bạn chỉ tiếp nhận dưới 1/ 1.000.000.000 các tác nhân kích thích đang thực sự hiện hữu. Các tác nhân kích thích mà hệ thần kinh của bạn tiếp nhận là những tác nhân tăng cường sự vận động, ý tưởng, cách hiểu của bạn về những gì mà bạn nghĩ rằng đang tồn tại. Nếu bạn đã có cam kết với thực tại này thì những thứ tồn tại bên ngoài “khung cam kết” sẽ bị hệ thần kinh của bạn loại ra, hệ thần kinh mà bạn sử dụng để tạo ra sự quan sát. Tùy thuộc vào loại cơ quan thụ cảm mà bạn có, vào loại hình quan sát mà bạn muốn tạo ra và các câu hỏi mà bạn tự hỏi khi tạo ra những quan sát này, tùy thuộc vào tất cả những điều đó, bạn chỉ tiếp nhận một phần giới hạn của thực tại. Rốt cục, hệ thần kinh của con người chỉ tiếp nhận bước sóng ánh sáng từ 400 đến 750 nanomet. Và nếu chúng ta đồng ý với những quan sát từ các giác quan của mình và sự lý giải cho những quan sát đó, thì chúng ta đã tạo ra một “khuôn khổ” cho những lý giải mà chúng ta cùng đồng nhất.

Chúng ta gọi phương pháp này là “khoa học”. Chúng ta thường coi khoa học như là một phương pháp khám phá sự thật khi mà trên thực tế, khoa học – như cách nó được kết cấu và hoạt động cho đến nay – thực sự chẳng phải là một phương pháp để khám phá sự thật. Nói đúng hơn, đó là một phương pháp khám phá “khung khái niệm” hiện tại của chúng ta về những thứ chúng ta cho là sự thật. Phạm vi mà chúng ta khám phá là một chức năng của tấm bản đồ mà chúng ta vẽ ra trong quá trình nhận thức. Khi tấm bản đồ đó, khung khái niệm đó thay đổi thì dĩ nhiên phạm vi mà chúng ta khám phá cũng bắt đầu thay đổi theo.

Thực tế rằng nhận thức là một hiện tượng phụ thuộc vào các loại công cụ mà chúng ta sử dụng để tạo ra những quan sát có thể được làm rõ bằng cách nghiên cứu các khía cạnh vật lý của sự nhận thức ở bất kỳ loài sinh vật nào. Các tế bào mắt của một con ong mật không có phản ứng với các bước sóng ánh sáng thông thường mà bạn và tôi có phản ứng, nhưng do chúng nhạy cảm với tia cực tím, một con ong mật có thể nhìn thấy một bông hoa, không giống như bông hoa bạn và tôi thấy, và cảm nhận được mật từ khoảng cách xa. Một con rắn có thể trải qua cảm giác tương tự với bức xạ tia hồng ngoại. Một con dơi có thể nhận biết được tiếng vang của sóng siêu âm, trong khi sóng siêu âm chẳng có ý nghĩa gì đối với bạn và tôi. Nhãn cầu của một con tắc kè hoa có thể xoay trên các trục khác nhau, vì thế chúng ta khó có thể tưởng tượng được con tắc kè hoa sẽ giống như cái gì nếu nhìn bằng mắt của chính chúng.

Vậy thì hình dạng thực sự của thế giới là gì? Cấu tạo thực sự của nó là gì? Mùi hương thực sự của nó là gì? Trông nó thực sự như thế nào? Tôi tin rằng đây là những câu hỏi thích đáng để đặt ra. John Eccles, một nhà thần kinh học nổi tiếng, đã từng nói: “Tôi muốn các bạn biết rằng không có màu sắc trong thế giới thực, không có mùi hương trong thế giới thực, không có vẻ đẹp và cũng không có sự xấu xí trong thế giới thực. Ngoài kia, vượt ra khỏi những giới hạn của hệ thống giác quan là sự mơ hồ, bất định của trường lượng tử. Chúng ta gần giống như những nhà phù thủy trong mỗi hành vi nhận thức, chúng ta nắm lấy trường lượng tử đó và biến nó thành trải nghiệm vật chất trong trạng thái nhận thức thông thường của mình.”

Kết quả của việc tin tưởng rằng các giác quan sẽ mang đến cho chúng ta một bức tranh chính xác về thế giới là chúng ta phải xây dựng khoa học dựa trên sự giải thích duy vật về thực tại. Các giác quan được cho là mang lại cho chúng ta một bức tranh đúng đắn về thế giới, nhưng sự thực không phải thế. Các giác quan nói với chúng ta rằng Trái Đất là bằng phẳng. Không ai còn tin vào điều đó nữa. Các giác quan nói với chúng ta rằng mặt đất mà chúng ta đang đứng đây là bất động. Nó đang xoay tròn với tốc độ chóng mặt và chuyển động trong không gian với vận tốc hàng nghìn dặm mỗi giờ. Các giác quan nói với chúng ta rằng mọi vật có màu sắc, kết cấu, hình dạng và kích thước. Chúng ta tin rằng những tính chất này xác định bản chất bên trong đối tượng nhận thức của mình, trong khi thực tế là chúng xác định bản chất bên trong của người quan sát và các công cụ mà người quan sát sử dụng để tạo ra sự quan sát. Vì thế, dựa trên mô hình cũ, chúng ta dựng nên một hệ thống sinh học mà cho đến tận bây giờ vẫn hoàn toàn dựa trên thế giới quan máy móc về cơ thể con người.

Khoa học, khi nỗ lực để chữa trị, đã xem xét các cơ chế của bệnh tật và cố giải thích những cơ chế đó với hy vọng hiểu được cách thức để can thiệp và bằng cách ấy loại trừ bệnh tật. Ví dụ: nếu có thể hiểu được cách vi khuẩn sinh sôi nảy nở và sau đó can thiệp bằng cách sử dụng một lượng thuốc kháng sinh thích hợp, chúng ta sẽ có thể không bị nhiễm khuẩn nữa. Nếu biết cách các tế bào ung thư nhân bản ở cấp độ ADN, chúng ta sẽ can thiệp bằng cách sử dụng các tác nhân kháng ung thư thích hợp, được gọi là các liên bạch cầu, và chúng ta sẽ không bị ung thư nữa. Cho dù ở cấp độ di truyền học, sinh học phân tử hay hóa sinh, tất cả các ngành khoa học đều cố để hiểu được các cơ chế của bệnh tật và sau đó tìm cách can thiệp vào những cơ chế này với hy vọng loại trừ được chúng. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều này đã mắc phải sai lầm cơ bản.

Đúng vậy, việc hiểu được các cơ chế của bệnh và học cách can thiệp vào chúng là rất quan trọng. Sự tiếp cận này là vô cùng thành công trong việc điều trị các bệnh cấp tính và đã cứu được biết bao sinh mạng. Tuy vậy, điều quan trọng phải nhận ra là cơ chế của bệnh không phải nguyên nhân gây bệnh. Các nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến những hoạt động sống hàng ngày của tâm thức và cơ thể con người. Những hoạt động sống hàng ngày này bao gồm những hành vi cơ bản như: ăn uống, tiêu hóa, bài tiết và quan trọng nhất là sự vận động của tâm thức – đó là những suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, mong muốn, ký ức. Những vận động của tâm thức này ảnh hưởng tới mỗi biểu hiện của cuộc sống trong cả thể chất và tinh thần chúng ta.

Nếu tiếp tục nhầm lẫn giữa cơ chế của bệnh với nguyên nhân gây bệnh, ngay cả khi chúng ta thành công trong việc chữa bệnh ở một giai đoạn ngắn, sức mạnh của bệnh cũng sẽ không có thay đổi gì đáng kể trong một giai đoạn dài. Đúng hơn là chúng ta chỉ thành công trong việc thay thế những đại dịch cũ bằng những đại dịch mới. Vì vậy ngày nay, thay vì các đại dịch bại liệt, đậu mùa, sốt rét và lao phổi thì chúng ta lại có những đại dịch HIV, ung thư, rối loạn tiêu hóa, tim mạch, nghiện rượu, nghiện thuốc, béo phì và tiểu đường.

Nếu hiểu được các cơ chế và nguồn gốc của sức khỏe, chúng ta có thể đi trước cả bệnh tật. Sức khỏe không chỉ đơn thuần là không có bệnh, mà là một trạng thái lành mạnh cả thể chất và tình cảm, và theo thế giới quan Veda, thì cả về tinh thần. Chúng ta phải đặt ra một câu hỏi quan trọng mang tính triết học mà khoa học chưa đặt ra: “Cuộc sống là gì?”, không đơn thuần chỉ là sự biểu hiện, mà còn là bản chất của nó.

Nếu tiếp tục chỉ tập trung vào các cơ chế của bệnh và can thiệp vào chúng thì chúng ta thậm chí có thể sẽ góp phần gieo thêm mầm bệnh trong tương lai. Qua một loạt các nghiên cứu, người ta ước tính rằng ở Mỹ mỗi năm có khoảng 80.000 người chết do kết quả trực tiếp của bệnh nhiễm trùng kháng sinh mắc phải ở các bệnh viện. Những bệnh nhiễm trùng đơn giản như khuẩn liên cầu và khuẩn tụ cầu, vốn là các loại khuẩn rất dễ điều trị, giờ đây đang kháng lại mọi hình thức điều trị. Đó là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Mặc dù sự thật là số nghiên cứu về bệnh ung thư còn nhiều hơn số người mắc bệnh ung thư, tỷ lệ tử vong ở các lứa tuổi do ung thư vẫn tăng trong vòng 3 thập kỷ qua. Người ta cũng biết rằng nguyên nhân đầu tiên gây ra hiện tượng nghiện thuốc phiện trên thế giới lại không phải là thuốc phiện được sử dụng bừa bãi, mà là thuốc phiện do chính các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân. 

Có điều gì đó sai lầm trong việc tìm kiếm một phương thuốc thần kỳ! Người ta ước tính rằng cứ mỗi ngày có khoảng 80% dân số Mỹ uống 1 viên thuốc được kê đơn để điều trị bệnh. Nếu bạn không ngủ được về đêm, hãy uống thuốc ngủ. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy uống thuốc an thần. Bạn bị nhiễm trùng, đã có thuốc kháng sinh. Bạn bị ung thư, đã có hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Bạn bị đau ngực, bạn có thể uống một viên nitroglycerin, thậm chí tốt hơn là phẫu thuật tim nhân tạo… Tất cả những cách tiếp cận này đều dựa trên một mô hình không đầy đủ về thân thể con người, trong đó đã loại bỏ đi phần tâm thức… 

Deepak Chopra

Biên tập: ahamevam