Y Học Tây Tạng – Mô Hình Trị Liệu Toàn Diện Và Toàn Triệt

Nguồn Gốc Hình Thành

Truyền thống y học Tây Tạng hàm chứa một mô hình chăm sóc sức khỏe toàn triệt còn hơn cả những mô hình chăm sóc sức khỏe thông thường và bổ xung như có thể thấy ở phương Tây hiện nay. Ăn uống, vận động, thư giãn, thanh tẩy, trẻ hóa, phát triển tinh thần, ý thức về môi trường… tất cả những điều thiết yếu cho sự tăng trưởng sức khỏe cá nhân và cộng đồng đều là một phần của truyền thống tuyệt vời này.

Nhưng điều làm cho y học Tây Tạng thậm chí còn cuốn hút hơn là, không giống như những mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện khác, vốn thường là một sự phối kết kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều nguồn khác nhau, y học Tây Tạng là một hệ thống y học bắt nguồn từ một quan kiến toàn triệt về sự sống. Trong y học Tây Tạng, các lý thuyết và phương pháp thực hành đều được đặt trên nền tảng một cái thấy thấu suốt về sự sống và sức khỏe, trong đó vượt trội lên là tầm quan trọng của sự cân bằng để tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh, phong phú và tràn đầy ý nghĩa.

Nguồn chính của y học Tây Tạng là Bốn Mật Điển Y Học, được gọi là Gyud-Zhi. Đây là tên rút gọn cho Mật Điển Của Những Chỉ Dẫn Bí Mật Về Tám Nhánh Thuộc Tinh Túy Của Sự Bất Tử (Amrita Heart Tantra). Nghĩa đen của “tantra” là “dòng tương tục”. Nó ngụ ý rằng giáo lý đã được truyền thừa trong một dòng không gián đoạn kể từ khi được giảng dạy bởi một Bậc Giác Ngộ. Theo lịch sử thiêng liêng của Tây Tạng, nguồn gốc của những mật điển này là Vaidurya Buddha (Lưu Ly Quang Vương Phật), tên thường gọi khác là Bhaisajyaguru Buddha (Dược Sư Phật), người đầu tiên đã giảng dạy chúng tại cõi tịnh độ Tanatuk.

Trên bình diện thông thường, sự ra đời của hệ thống y học Tây Tạng có từ thế kỷ thứ 7 dưới triều đại vua Songtsen Gampo. Mong muốn phát triển việc giao lưu văn hóa với các quốc gia láng giềng, nhà vua đã mời các y sĩ từ Ấn Độ, Trung Hoa và Iran tới triều đình Tây Tạng. Theo biên niên sử Tây Tạng, đây là hội nghị y học sớm nhất, nơi các lý thuyết, văn bản tiêu biểu của nhiều truyền thống y học khác nhau được dịch sang thứ Tạng ngữ mới hệ thống hóa.

Trong thế kỷ sau, việc dịch thuật các công trình y học được tiếp tục dưới sự bảo trợ của vua Trisongdetsen, người tiếp nối công việc của người tiền nhiệm, đã mời tới Tây Tạng các y sĩ từ Ba Tư, Ấn Độ, Kashmir, Nepal, Trung Quốc và các khu vực Thổ Nhĩ Kỳ thuộc vùng Trung Á, biến Tây Tạng thành trung tâm y học toàn diện của châu Á.

 

Y Học Tây Tạng - Mô Hình Trị Liệu Toàn Diện Và Toàn Triệt

 

Phương Thức Trị Liệu

Nhưng, dù cho có tin tưởng vào lịch sử thông thường hay lịch sử thiêng liêng của y học Tây Tạng thì phạm vi và độ sâu của những hiểu biết về bệnh lý và sinh lý học, chẩn đoán và điều trị được truyền lại trong truyền thống này thật rộng lớn và vô cùng ấn tượng, ngay cả với những tiêu chuẩn của y học phương Tây hiện đại. Việc trị liệu trong truyền thống y học Tây Tạng được thực hiện trên 4 cấp độ.

Cấp Độ 1

Cấp độ đầu tiên có liên quan đến việc điều chỉnh lối sống: chế độ ăn uống, vận động, thư giãn và các hành vi sinh hoạt hàng ngày. Các y sĩ Tây Tạng sẽ đề nghị những sự thay đổi như vậy trước trừ khi cần có sự can thiệp sâu hơn. Điều này rất phù hợp với các nguyên tắc của y học toàn diện hiện đại; tạo ra sự thay đổi lành mạnh trong lối sống của một người là đã đi được một chặng đường dài trong việc đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng, để cơ thể không còn đóng vai trò vật chủ cho bất cứ căn bệnh gì bao vây nó.

Bởi thay đổi lối sống là thay đổi thói quen cá nhân với những tác động về mặt tâm lý và xã hội, khi đề nghị điều này các y sĩ Tây phương thường có cảm giác ngần ngại, vì đề nghị điều này có nghĩa là liên kết nhiều hơn với bệnh nhân trong việc chữa trị. Tìm hiểu về lối sống có thể được coi như sự xâm phạm quyền riêng tư của người bệnh. Thật không may, nếu một sự tìm hiểu kỹ càng như vậy không được thực hiện thì trong trường hợp các liệu pháp khác thất bại, căn bệnh có thể đã tiến triển đến mức việc điều chỉnh lối sống trước đó có khả năng tạo ra một tác động to lớn và hữu ích, giờ đây lại kém hiệu quả hoặc vô nghĩa.

Ngược lại, các y sĩ Tây Tạng xem việc điều chỉnh lối sống là liệu pháp ít can thiệp nhất vì nó không liên quan trực tiếp đến những thay đổi căn bản trong kết cấu hóa sinh của cơ thể như các liệu pháp sử dụng thuốc men hay phẫu thuật. Do đó, các y sĩ Tây Tạng trước tiên sẽ đưa ra biện pháp, quy trình trị liệu có tác động ít nhất đến thân thể vật chất và năng lượng của người bệnh.

Cấp Độ 2

Cấp độ thứ hai của y học Tây Tạng liên quan đến việc sử dụng các loại dược liệu, massage, các phương pháp làm sạch và trẻ hóa cơ thể. Ở phương Đông, Tây Tạng được biết đến là vùng đất của các loài thuốc và thuốc Tây Tạng đánh giá có chất lượng rất cao. Massage và các phương pháp làm sạch cơ thể khác nhau như gây nôn, gây xổ, thụt rửa… được thực hiện tùy theo dạng khí chất (dosha) và tình trạng của cơ thể.

Massage được phân loại là một liệu pháp ở cấp độ thứ hai, can thiệp sâu hơn sự điều chỉnh lối sống, bởi vì nó liên quan đến việc xúc chạm và do đó làm thay đổi năng lượng của người được massage. Đối với người Tây Tạng, điều quan trọng là người massage phải có thẩm quyền về mặt y tế và đạo đức để thực hiện việc trị liệu thông qua xúc chạm này.

Cấp Độ 3

Cấp độ thứ ba của y học Tây Tạng là sự can thiệp sâu nhất trong sự tác động vật lý của nó đối với cơ thể. Cấp độ này bao gồm châm cứu, ngải cứu, giác hơi, trích huyết và phẫu thuật. Người Tây Tạng tin rằng họ là người đã phát minh ra phương pháp châm cứu và sau đó truyền lại nó cho người Trung Quốc. Phẫu thuật đã bị cấm khi một thành viên của hoàng gia Tây Tạng chết trong một ca phẫu thuật. Hiện nay ở cấp độ thứ ba, việc giác hơi, trích huyết và ngải cứu vẫn được thực hành rộng rãi.

Cấp Độ 4

Cấp độ thứ tư của y học Tây Tạng là y học tâm linh, trong đó các y sĩ thực hiện các nghi lễ đặc biệt để trị liệu cho bệnh nhân. Tại cấp độ này, người bệnh được yêu cầu quán chiếu về các suy nghĩ và hành vi của họ theo những nguyên tắc tôn giáo và đạo đức, mục đích là để làm trong sạch tâm thức và cơ thể khỏi các dấu ấn tiêu cực, căn nguyên của mọi bệnh sự mất cân bằng và bệnh tật. 

Nhưng không phải chỉ ở cấp độ này việc trị liệu mới có tính tâm linh, tính tâm linh thẩm thấu qua mọi cấp độ của y học Tây Tạng. Bắt nguồn từ sự phát lộ của Phật giáo về những bất mãn tinh tế trong việc truy tìm hạnh phúc, y học Tây Tạng đã khám phá ra mối tương quan chặt chẽ giữa những nỗi đau thể chất và tinh thần.

Đức Dalai Lama viết: “Từ ngàn xưa, Phật tính của chúng ta đã bị che phủ bởi sức mạnh của si mê, tham lam và sân hận… Những xung lực tinh thần tiêu cực này che lấp đi tiềm năng vô tận và là nguyên nhân gốc rễ cho sự lưu chuyển đầy thất vọng của chúng ta trong vòng hiện hữu luân hồi.” Nhận ra “ba độc” trong những biểu hiện tinh tế của chúng đem đến một cái nhìn sâu sắc về căn nguyên của tất cả các bệnh tật và cũng là bước khởi đầu của sự phát triển trí tuệ, nền tảng của tất cả các phương thức trị liệu trong y học Tây Tạng, y học nơi nóc nhà thế giới.

 

Biên Tập

ahamevam