Trung Y – Nghệ Thuật Trị Liệu Cổ Truyền Trung Hoa (Phần 1)

Phần 1 – Cái Nhìn Tổng Hợp

Y lý Trung Hoa luôn luôn tâm niệm rằng mọi sự mọi vật chỉ là một khía cạnh, một giác độ, một bộ phận, và rằng sự ấy vật ấy chỉ có lý do tồn tại khi nó được đặt vào bối cảnh của chính nó, với cái toàn thể mà nó là một thành phần. Tốt, xấu, vinh, nhục, lớn, nhỏ… đều chỉ là hệ quả lề lối nhận thức của những người sống trong quan niệm sai lầm của sự phân ly, chỉ thấy sự vật rời rạc mà không biết nhận chân sự liên quan mật thiết trong vạn vật, vốn dĩ chằng chịt, giằng chéo, dính líu nhau như những tạng phủ, kinh lạc trong cơ thể sống.

Bởi lẽ mọi sự trên đời đều biến đổi, dịch hóa liên tục cho nên trong môi trường sinh hoạt của nhân loại, bất cứ vật gì cũng chỉ là tương đối, không thể có gì là tuyệt đối. Làm thế nào có nổi một danh hiệu, một ý tưởng, một luận cứ, một y thuật, một khoa học có tính cách tuyệt đối, khi mà chính bản thân chúng đã chỉ là những sản vật, những hệ thống tương đối, khi chúng luôn luôn ôm ấp trong bản chất tình trạng đối đãi phản nghịch của chính chúng, bởi lẽ biến dịch âm dương!

Vì vậy ta không nên ngạc nhiên khi thấy người y sĩ Trung Hoa luôn luôn nhìn con người, bệnh tật dưới nhãn quan toàn diện, hơn thế nữa, còn sẵn lòng đồng hóa nhân thể với vũ trụ bên ngoài.

Nếu ở bên ngoài tự nhiên giới sinh, trưởng, hoại, diệt thì ở bên trong, các chức năng của cơ thể cũng sinh, trưởng, tiêu, vong. Nếu Lão Trang quan niệm “vạn vật dữ ngã vi nhất” (vạn vật với ta là một), “vạn vật đồng nhất thể” (vạn vật cùng một thể) thì Trung Y cũng song song chủ trương “nhân thân tiểu thiên địa” (thân người là trời đất nhỏ), hoặc “thiên nhân hợp nhất” (người và trời hợp một). Con người không thể nào tách rời khỏi tự nhiên giới để cô độc tồn tại mà luôn luôn chịu ảnh hưởng của ngoại môi, và ngược lại cũng phần nào ảnh hưởng đến vũ trụ qua hoạt động của mình.

Đối với từng cơ thể một thì cái nhìn của y lý cổ truyền Trung Hoa cũng là một cái nhìn bao quát, toàn cảnh. Bởi vì tuy “thủ túc dị nhậm, ngũ tạng thù quan” (tay chân khác việc, năm tạng khác chức) nhưng chúng vẫn thường “tương vi nhi biểu lý đãn tế’ (cùng giúp nhau như trong ngoài biểu lý). Sự khác nhau giữa chức năng của tay, chân, can, phế chẳng qua chỉ do cái tính phận của từng thành phần cơ thể, chỉ là một sự khác nhau cần thiết cho sự điều hòa sinh lý chính thường toàn thân, giống như trong một ban đại hòa tấu, mỗi âm thanh, mỗi nhạc khí có thể, và cần phải khác nhau, và có khác nhau thì mới cùng nhau hòa điệu được. Điểm quan trọng là tuy khác “tính” nhưng mỗi tạng phủ, mỗi tổ chức phải “các tư kỳ nhậm, các đương kỳ năng” (làm tròn nhiệm vụ, làm đúng khả năng) trong cộng đồng cơ thể.

Kết quả là Trung Y thực tình không thể nào tưởng tượng nổi trong cái học về sự sống, chất sống người ta lại có thể chia nhau, anh học cơ quan, chức phận này, tôi học tạng phủ, bộ máy kia, rồi khi cần thì đem ráp cái biết của tôi, cái biết của anh vào với nhau để làm công việc mệnh danh là chẩn đoán bệnh tật hay khảo sát sinh lý!

Nhưng nói như vậy không hề có nghĩa là trong y lý cổ truyền không có chuyên khoa. Trái lại, nếu ở Âu châu – tức cái nôi của y học hiện đại – mãi đến thế kỷ thứ 18 mới thấy có sự tách rời giữa sản khoa và phụ khoa thì trong Trung Y, ngay từ năm thứ 5 niên hiệu Gia Hựu đời vua Tống Nhân Tông (+1060) bộ môn chuyên khảo về bệnh đàn bà đã sớm “ra riêng”, đã sớm tách biệt khỏi bộ môn chuyên khảo về sinh đẻ, qua quyết định của Thái Y Cục đương thời. Có những danh tính lẫy lừng trong lịch sử đã là đối tượng khảo sát của bộ môn nhãn khoa từ những thời viễn cổ. Chúng ta có thể kể chẳng hạn thầy Tử Hạ, một môn sinh lỗi lạc của Đức Khổng; Tả Khưu Minh, Thái Sử nước Lỗ, đã chú giải và khai triển Kinh Xuân Thu của Đức Vạn Thế Sư để còn lưu lại cho chúng ta phần Tả Truyện tức Tả Thị Xuân Thu; Sự Khoáng, một nhạc sĩ đã từng được thầy Mạnh đề cập đến trong các tác phẩm của mình. Tất cả những người này đều sống trước Công Nguyên, và thư tịch y khoa cho chúng ta biết rằng họ đều bị mù vì bệnh mắt. Bộ sử nhà Tùy (589-617 sau Thiên Chúa Giáng Sinh) – Tùy Thư Kinh Tịch Chí – đã kể 2 cuốn sách về trị liệu bệnh nhãn khoa: Đào Thị Liệu Mục Phương và Cam Tuấn Chi Liệu Nhĩ Nhãn Phương. Khi nhà thơ lớn của thời Vãn Đường, Lý Thương Ẩn, nhắc đến sự kiện “nhiều kẻ thị thần quan lại bị bệnh đái đường – Trung Y gọi là tiêu khát – giống như Tương Như” qua nghệ thuật phóng bút nhuần nhuyễn của bài Hán Cung Từ: “Thị thần tối hữu Tương Như khát” thì chúng ta có thêm một bằng chứng khác để xác quyết rằng phân khoa nghiên cứu về chứng bệnh dinh dưỡng này đã ra quân rất sớm trong cuộc trường kỳ chiến đấu vĩ đại của y lý Trung Hoa, bởi lịch sử chép rằng: Tư Mã Tương Như tự là Trường Khanh (có ai trong chúng ta không thuộc câu “sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh” của Tố Như tiên sinh?) vốn quê ở phủ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên và đã từng làm chức Trung Lang Tướng dưới đời vua Hán Vũ Đế (140-86 trước Thiên Chúa Giáng Sinh). Nếu chúng ta tin Lĩnh Nam Chích Quái thì hiện tượng chuyên khoa hóa từng xảy ra trong y thuật sớm hơn nữa trên đất nước ta, ngay từ thủa Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước Văn Lang, Thôi Vĩ đã chuyên môn sử dụng “phép cứu” trong điều trị “bướu” cho người và cho vật, từ vị đạo sĩ đến con mãng xà.

Trong thực tế, những tên học lớn của y sử Trung Hoa bao gồm đủ loại cán bộ: có người chuyên về bản thảo học, có người chuyên về phép dưỡng sinh, có người suốt đời đặt nặng nhiệm vụ chẩn mạch bốc thuốc, có người lưu danh qua những tác vụ giải phẫu gây tê. Nói một cách thực tổng quát, trong đội ngũ chuyên viên của y lý cổ truyền Trung Hoa, từ xưa đến nay vẫn có sự phân công rõ rệt giữa những người thiện dụng kim châm và những người chuyên chữa bằng thuốc. Tuy nhiên điểm đặc biệt ở đây là hiện tượng chuyên khoa luôn luôn có chừng mực nhất định, chỉ chuyên khoa vì bất đắc dĩ, vì tính cách tương đối bắt buộc của hành trang tri thức, vì nhu cầu trị liệu, và trong chuyên khoa vẫn hằng có toàn khoa.

Chứng dẫn cụ thể nhất cho luận cứ này là ý nghĩa của chẩn mạch: dù chỉ chuyên về bệnh phụ nữ hay về thai sản, người lương y vẫn phải luôn luôn chẩn đoán bệnh tật trên toàn thể thân người qua phép bắt mạch, bởi vì mạch chính là cái gương phản chiếu tổng trạng, không bỏ sót cơ quan nào trong nội môi. Đấy là chưa nói đến bước cuối cùng của y thuật, tức là bước chữa bệnh: Trung Y không bao giờ cho phép chỉ chữa riêng một chức năng, trái lại, trong điều trị kinh nguyệt chẳng hạn, lương y sẽ phối hợp những phương thuốc nhằm kiện toàn tỳ vị, trấn định tinh thần và tăng cường lưu thông khí huyết.

Có một chú đại bàng và một chú rùa cùng muốn quan sát một vật, một cái bàn. Chú rùa bò lổm ngổm trên bàn và gặp một cái bình, nó ghi nhận sự kiện ấy rồi lại tiếp tục bò, vấp phải một cái gạt tàn thuốc, lại ghi nhận và lại tiếp tục bò. Cứ như thế như thế, dần dà chú rùa thiết lập được một bản liệt kê những vật dụng mà chú gặp, nhưng không biết chắc được bản liệt kê của chú có đầy đủ hay không, bởi chú không thể ý thức được về phạm vi của cái bàn. Chú đại bàng, trái lại, khởi đầu tung cánh lên cao để quan sát toàn bộ cái bàn, ghi nhận phạm vi của bàn, số lượng các đồ vật trên bàn cùng những mối tương quan giữa chúng, rồi sau đó mới chao cánh hạ mình đến gần từng vật để khảo sát mỗi vật một cách chi tiết hơn.

Qua hai con vật tượng trưng ấy, chúng ta chắc chắn đã nhận ra những bước chân nghịch chiều của hai phương pháp phân tách và tổng hợp, cũng như tiến trình chuyển dịch từ phương pháp này qua phương pháp kia. Khởi đi từ một loạt những phân tách riêng rẽ – mà số lượng tất yếu là hữu hạn – phép tổng hợp trong tình cảnh chú rùa không thể trọn vẹn và cứ phải thay đổi mãi theo những phát giác mới của chú, trong khi sự phân tách theo một tổng hợp tiên khởi theo lề lối của chú đại bàng thì trọn vẹn, vì nó quan tâm đến toàn thể vấn đề.

Lợi điểm to lớn của đường hướng tổng hợp là người thầy thuốc, nắm vững tinh thần y lý Trung Hoa có khả năng phát giác được một số bệnh tật trước khi chúng xuất hiện dưới hình thức lâm sàng. Đây không phải và không hề là chuyện khoác lác hay chuyện cợt đùa, nhưng người y sĩ được đào luyện theo tinh thần y lý phương Tây chắc chắn sẽ dè dặt nghi ngờ trước một khẳng định như vậy. Bởi căn cứ vào những phương tiện mà họ có trong tay, họ thành thực – rất thành thực, vì cái học của họ đã trở thành phản xạ có điều kiện – tin rằng chỉ có họ mới làm nổi điều đó. Nhưng ta thử xem họ có thể làm gì khi bệnh nhân muốn được tổng kiểm tra. Họ sẽ làm “bilan”, sẽ làm “check up”, nghĩa là như chú rùa, họ sẽ cân, đo bệnh nhân, nghe tim, nghe phổi, làm điện tâm đồ, điện não đồ, phân tích máu và nước tiểu, hỏi thật kỹ để được xác quyết rằng người bệnh không có triệu chứng chủ quan bất thường nào, sờ nắn bụng và các vùng dưới sườn v.v. và v.v… Cuối cùng, nếu không thấy có gì khác lạ, họ thở ra nhẹ nhõm và tuyên bố người bệnh mạnh khỏe. Nhưng điều này không hề ngăn cản bệnh nhân của họ gục ngã cách phòng khám bệnh vài con đường, vì một cơn đau tim chẳng hạn, và có khi còn cầm trên tay một bản điện tâm đồ được mô tả là: bình thường. Trái lại, y sĩ Trung Hoa, thông qua phương pháp tổng hợp, nương vào nghệ thuật bắt mạch, có thể có khả năng chẩn đoán và chữa lành cho người bệnh ngay cả khi người đó còn chưa hề “có bệnh”…

Biên Tập

ahamevam