Ayurveda – Nghệ Thuật Trị Liệu Cổ Truyền Ấn Độ (Phần 2)

Tất cả mọi người lúc này hay lúc khác đều mơ ước trở thành bất tử. Dù biết mọi thứ được sinh ra cuối cùng đều bị hoại diệt, mỗi người chúng ta đều thầm ấp ủ niềm hy vọng rằng cái chết có thể dành cho mình một biệt lệ. Các rishi (bậc thấu thị, người đã thấy chân lý) cổ đại của Ấn Độ đã quán sát về vấn đề này và thể hiện nó trong những bài thánh ca của họ, thứ mà sau này đã được thu thập thành tác phẩm lâu đời nhất của nhân loại, kinh Veda. Kinh Veda, vốn là nền tảng của văn hóa Ấn Độ, nhấn mạnh rằng “bất tử” là quyền của mỗi người. Một lời cầu nguyện nổi tiếng trong kinh Veda:

“Từ huyễn hư, hãy đưa chúng con tới thực tại.

Từ bóng tối, hãy đưa chúng con tới ánh sáng.

Và từ cái chết, hãy đưa chúng con tới sự bất tử.”

Mỗi cá nhân hiện thân như một hợp thể của cơ thể (body), tâm thức (mind) và tinh thần (spirit). Do đó, các rishi Ấn Độ đã sắp xếp sự hiểu biết, mà sau này trở thành “khoa học về sự sống”, thành 3 bộ phận. Ayurveda chủ yếu liên quan đến cơ thể, Tantra chủ yếu liên quan đến tâm thức, và Yoga chủ yếu liên quan đến tinh thần. Cả 3 bộ phận này đều có chung một triết lý; sự khác nhau về yếu tố được nhấn mạnh đã tạo ra những biểu hiện khác nhau của chúng. 

Ayurveda chú tâm nhất đến các cơ sở vật chất của cuộc sống và tập trung vào việc tạo ra mối quan hệ đúng đắn của cơ thể với tâm thức và tinh thần. Tantra sử dụng tâm thức để cân bằng các nhu cầu của tinh thần và cơ thể. Yoga kiểm soát cơ thể và tâm thức để khiến chúng hòa hợp với tinh thần. Tất cả chúng ta tồn tại như những cá nhân dựa vào nền tảng của môi trường, Mẹ Thiên Nhiên (Prakriti). Không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn là cá nhân, vì điều kiện Thiên Nhiên đã tạo nên mỗi chúng ta. Hầu hết chúng ta đều cố chiếm giữ lấy thế giới, nuông chiều bản thân không giới hạn, dựa vào thế giới để dành lấy những thứ mình ưa thích cùng khả năng để thụ hưởng chúng. Và chúng ta gọi đó là: “tự do”.

Tuy nhiên, tự do đích thực là khả năng hoàn toàn thích nghi. Thụ hưởng chắc chắn là một trong những mục đích của cuộc sống, nhưng bạn mất khả năng thụ hưởng khi vượt quá giới hạn của mình. Giới hạn là điều vốn có của cuộc sống. Bạn bị giới hạn bởi hàng tá nghĩa vụ, chẳng hạn như cần phải thở, ăn, ngủ và sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác. Giới hạn quan trọng nhất của bạn là khả năng sinh học để chịu đựng sự nuông chiều của chính mình.

Hoặc bạn có thể tự giới hạn bản thân hoặc Thiên Nhiên sẽ giới hạn bạn. Bệnh tật là cách Thiên Nhiên buộc bạn phải sống chậm lại và nghỉ ngơi. Đây là lý do tại sao Bà được gọi là Mẹ. Bà yêu bạn rất nhiều, đến nỗi không thể chịu đựng được khi thấy bạn hủy hoại chính mình. Bà cảnh báo bạn về lỗi lầm của bạn nhiều lần, và chuyển sang các biện pháp quyết liệt hơn chỉ khi bạn cố chấp không chịu nghe lời. Đây là một trường hợp kinh điển của tự do với trách nhiệm: hoặc bạn tự hạn chế sự tự do của mình một chút mỗi ngày, hoặc Thiên Nhiên sẽ xuất hiện và hạn chế nó một lần trong nhiều ngày, nhiều tuần hay nhiều tháng.

Sự thụ hưởng là một mục đích sống chính đáng, nhưng nó chỉ là 1 trong 4 mục đích của cuộc sống. Không có cuộc sống nào thật là sống hoàn toàn trừ khi 4 mục đích này (Purusartha) đạt được. Đó là:

Dharma (phận sự): sống phù hợp với quy luật của vũ trụ, biểu hiện như việc hoàn thành các trách nhiệm tương ứng vị trí của mình trong xã hội.

Artha (thành công): các thành tựu thế gian như tài sản, quyền lực, danh tiếng.

Kama (thụ hưởng): sự thỏa mãn những mong muốn thế gian.

Moksha (giải thoát): nhận ra rằng cuộc sống còn có nhiều thứ khác hơn chỉ là thụ hưởng, thành công hay phận sự.

Bạn cần một chỗ đứng ổn định trong xã hội để sắp xếp các nhu cầu thiết yếu của đời sống và thời gian rảnh rỗi để cho phép mình sống một cuộc sống thụ hưởng hoặc tâm linh. Bất cứ điều gì mà bạn nhắm đến, bạn cần một tâm thức khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh để đạt được nó. Bạn phải khỏe mạnh nếu muốn tự mình thụ hưởng không ngừng.

Các rishi đã đặc biệt thiết kế Ayurveda cho những người muốn thụ hưởng thế giới một cách lành mạnh. Các chỉ dẫn về thói quen sinh hoạt hàng ngày và theo mùa, các phương pháp trị liệu, chế độ ăn uống, thuốc giải độc của Ayurveda có thể khiến bạn khỏe mạnh, tráng kiện và có thời gian thích nghi tốt với tuổi già nếu bạn có thể hạn chế bản thân đủ để tuân theo các quy định này một cách nghiêm ngặt. Bạn phải lựa chọn mức độ mình muốn tuân thủ, điều này quyết định bạn sẽ khỏe mạnh như thế nào. Không có bữa trưa nào là miễn phí.

Một số người nghĩ rằng họ đã tìm thấy một bữa trưa miễn phí trong Tantra, thứ chuyển hóa mối quan hệ của một cá nhân với các yếu tố bên ngoài để họ có thể lấy hoặc bỏ chúng tùy ý muốn. Mặc dù Tantra dường như cung cấp sự thụ hưởng vô hạn dưới vỏ bọc tâm linh, nó thực tế là một hệ thống cực kỳ nghiêm ngặt, chỉ có thể bắt đầu thành công sau khi thực hành thanh tẩy bằng Ayurveda và Yoga. Theo truyền thống, Yoga khuyến khích mọi người không quá thân cận với môi trường thế tục, sống tự chủ để hạn chế việc đưa các rối loạn bên ngoài vào môi trường bên trong của họ. Yoga và Tantra giúp cho một cá nhân “độc lập” với sự phụ thuộc vào “thế gian”, nhưng những thực hành của họ không thể thực hiện một cách an toàn mà không có ít nhất một số kiến ​​thức sơ bộ về các nguyên tắc và thực hành Ayurveda.

Sự cân bằng hay hài hòa của mỗi cá nhân có một chiều dọc là sự tương tác năng động giữa cơ thể, tâm thức và tinh thần của cá nhân đó; chiều ngang là sự tương tác năng động giữa cá nhân đó với môi trường. Cơ thể của bạn phải cân bằng với Thiên Nhiên, tâm thức của bạn phải hòa hợp với tâm thức của xã hội và tinh thần của bạn phải có mối quan hệ hài hòa với tinh thần vũ trụ nếu bạn muốn thực sự khỏe mạnh.

Các rishi đã sử dụng toàn bộ cuộc sống như là sách giáo khoa; các y sĩ cũng cần làm như vậy, tự học khi nào và thế nào là thích hợp để tương tác với cơ thể, tâm thức và tinh thần của bệnh nhân. Cách dễ nhất để hòa hợp với phức hợp cơ thể – tâm thức – tinh thần là bắt đầu với cơ thể, thứ tương đối ổn định. Sự cân bằng của tâm thức và tinh thần, những thứ tinh tế và do đó khó ổn định, sẽ dễ dàng hơn một khi cơ thể đã vững chắc và khỏe mạnh. Đây là điều đặc biệt quan trọng ngày nay khi hầu hết mọi người đều say mê với thế giới vật chất. Một y sĩ phải điều trị cho bệnh nhân ở cấp độ nhận thức mà bệnh nhân có thể đáp ứng, và vì hầu hết mọi người đều chìm đắm trong nhận thức về vật chất, các phương thức điều trị về cơ thể nên được sử dụng đầu tiên. Khi thích hợp thì việc sử dụng các phương thức điều trị về tâm thức và tinh thần chắc chắn sẽ đi theo…

Biên Tập

ahamevam